image banner
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua mạng Internet

 

 

BÀI TUYÊN TRUYỀN

Về cảnh báo thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet

 

Kính thưa toàn thể nhân dân trên địa bàn xã!

Trong thời gian vừa qua tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.Thực tế đã phát hiện nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng sử dụng nhiều phương thức thông qua mạng xã hội, mạng internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản ngân hàng. Thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng như sau:

1. Lừa đảo lấy mã OTP của tài khoản ngân hàng:

Tài khoản ngân hàng của chúng ta được bảo mật nhờ 2 lớp bảo mật: Password của thẻ ngân hàng sử dụng khi giao dịch bằng thẻ và Mã OTP sử dụng khi giao dịch qua Internetbanking. OTP là mật khẩu ngẫu nhiên sử dụng một lần dùng để xác thực với những giao dịch chuyển tiền, rút tiền qua điện thoại mà không cần trực tiếp đến quầy dịch vụ hoặc cây ATM. Thông thường các đối tượng lừa đảo lấy mã OTP của bạn khi chúng đã có thông tin về tài khoản của bạn (Số TK, CMND) và đang thực hiện lệnh rút tiền chờ bạn xác nhận bằng mã OTP để chuyển tiền.

Vì vậy các đối tượng này thường sử dụng thủ đoạn như: Đối tượng sẽ gọi điện cho bạn và tự xưng là nhân viên ngân hàng để tránh sự đề phòng của bạn, sau đó sẽ thông báo với bạn rằng bạn đang có một món tiền treo trên hệ thống chờ nhận và cần cung cấp số chứng minh thư nhân dân và mã OTP để ngân hàng hoàn tất thủ tục nhận tiền. Và đương nhiên khi bạn cung cấp thông tin cho đối tượng, nghiễm nhiên chúng sẽ chiếm quyền sử dụng tài khoản ngân hàng của bạn và muốn rút bao nhiêu tiền tùy ý.

Thủ đoạn thứ 2 các đối tượng sử dụng là các link giả mạo để đánh cắp thông tin. Chỉ cần 1 tin nhắn với nội dung dạng “Chị ơi, em có khoản tiền nước ngoài mới chuyển về, chị vào đường link này đăng nhập tài khoản internet banking và OTP để nhận tiền giúp em với” hay “Bạn đã trúng thưởng phần quà XYZ vui lòng đăng ký thông tin vào đường link bên dưới để nhận quà”,… đánh vào lòng tham của người sử dụng thẻ thì không ít khách hàng sẽ làm theo. Tinh vi hơn các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn hack tài khoản FB, ZALO của anh em bạn bè và gửi tin nhắn để lấy lòng tin của bị hại, hay đóng giả là những “khách sộp” của các shop bán hàng trên mạng đặt mua sản phẩm bịa lý do chuyển tiền từ nước ngoài về nên cần đăng ký thông tin vào link để nhận tiền chuyển khoản,…

Thủ đoạn thứ 3 các đối tượng giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện thông báo tài khoản của bạn có liên quan đến hoạt động tội phạm, yêu cầu chuyển tiền sang một tài khoản khác để tạm thời niêm phong phục vụ điều tra, nếu không sẽ bị bắt giữ. Mặc dù nghe có vẻ như trò đùa dọa nạt trẻ con nhưng rất nhiều người dân nhẹ dạ, yếu bóng vía đã bị chúng dọa nạt chuyển tiền và bị chiếm đoạt. Đến khi định thần lại thì đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay, tẩu tán số tiền chiếm đoạt được.

2. Lừa đảo nhận tiền đặt cọc:

Thủ đoạn này của các đối tượng đánh vào lòng tham của người dân, chúng sẽ bày ra một món lời hấp dẫn (Phần quà từ các chương trình mua sắm trúng thưởng, các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp, việc làm thêm tại nhà việc nhẹ, lương cao,… ) khi người dân muốn nhận được phần quà ấy, phải chuyển cho chúng một khoản đặt cọc có thể từ vài chục, vài trăm, đến cả chục cả trăm triệu đồng để làm lệ phí, và sau đó các đối tượng bốc hơi, chặn liên lạc ngay khi bạn hoàn tất chuyển khoản.

Một dạo người dân phản ánh về việc nhận được cuộc gọi từ sđt nhân viên của nhân viên bán hàng, shipper của các trang thương mại điện tử Lazada, Shopee,… thông báo bạn đã trúng thưởng phần quà của nhà bán hàng (nước hoa, mỹ phẩm,tiền mặt …) do đã mua hàng gần đây, phần quà đã được gửi đến địa chỉ của bạn, yêu cầu bạn trả phí ship để nhận quà. Và khi trả phí để nhận hàng, mở ra là các sản phẩm nước hoa rởm, thậm chí là hộp rỗng, không có gì. Điều đáng nói là tại sao các đối tượng lừa đảo có đầy đủ thông tin họ tên, SĐT, địa chỉ của khách hàng, thậm chí thông tin đơn hàng mua sắm trên mạng, Điều này phải hỏi các nhà quản lý của các trang Thương mại điện tử và cũng đáng trách khi chúng ta không có ý thức bảo mật thông tin cá nhân khi tham gia mạng xã hội.

Một hình thức khác là thông báo tuyển dụng, việc làm tại nhà, việc nhẹ lương cao cho các mẹ bỉm sữa,… Hình thức này các đối tượng đăng tin tuyển dụng việc làm trên mạng, hứa hẹn mức lương cao, hình thức có thể là nhận hàng về nhà làm, cài đặt app theo dõi, xem video nhận tiền,… Để được tuyển dụng người xin việc phải chuyển khoản tiền để đặt cọc lấy hàng, nộp tiền để đăng kí tài khoản ứng dụng xem video kiếm tiền trên điện thoại,…Và khi bị hại chuyển tiền đặt cọc thì các đối tượng sẽ bùng hàng, hoặc chặn số điện thoại liên lạc của bị hại và chiếm đoạt số tiền cọc.Một bất cập là các bị hại sau khi biết mình bị lừa lại dùng chính những thủ đoạn lôi kéo trên để lừa những người khác nhằm gỡ gạc lại vốn đã mất.Kết quả vòng xoay lừa đảo cứ tiếp diễn với ngày càng nhiều bị hại hơn nữa.

3. Lừa đảo vay tiền qua App:

Nắm được thị hiếu vay tiền tiêu dùng của nhiều cá nhân, hàng loạt các ứng dụng vay tiền được quảng cáo trên mạng internet và mạng di động, với cam kết giải ngân nhanh, thủ tục nhanh gọn nhẹ chỉ cần Chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, kì hạn thanh toán ngắn…

Khi khách hàng cài đặt và đăng kí thông tin trên app, các ứng dụng này sẽ tự động truy cập danh bạ, Zalo, Facebook,… trên máy điện thoại của bạn. Tuy nhiên phí và lãi suất vay thường rất cao, kèm theo những khoản ràng buộc khắc nghiệt về việc thanh toán trễ kì hạn, vi phạm hợp đồng…Khi đến kì hạn chưa thanh toán được hợp đồng các đối tượng sẽ nhắn tin, gọi điện đe dọa, uy hiếp tinh thần của người vay, truy cập vào Zalo, Facebook của khách hàng để đăng thông tin bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí là gọi điện cho người thân, bạn bè trong danh bạ để tố cáo bôi nhọ danh dự khách hàng. Nhiều nạn nhân đã bị chúng đe dọa, khủng hoảng tinh thần mà ngậm ngùi trả cho xong nợ và lãi dù biết lãi cắt cổ.

Những thủ đoạn trên của các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào lòng tham và sự nhẹ dạ cả tin của người dân, mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp tuyên truyền cảnh báo song vẫn không ít người dân bị các đối tượng lừa đảo.

Vì vậy, Công an xã Vĩnh Hòa khuyến cáo người dân lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất , tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào.mã OTP chỉ sử dụng để xác thực giao dịch chuyển khoản, rút tiền hoặc thay đổi mật khẩu. Không đăng ký vào các đường link hoặc tải phần mềm từ nguồn không đáng tin cậy.

Thứ hai , cảnh giác trước những lời mời chào, tặng quà trên mạng.Không nên tin tưởng, liên lạc, mua bán với những đối tượng người nước ngoài, tự nhận là người nước ngoài, việt kiều qua mạng xã hội, điện thoại. Khi nhận được các cuộc điện thoại tự xưng là nhân viên ngân hàng, cán bộ cơ quan nhà nước, cơ quan công an thông báo, yêu cầu qua điện thoại thì cần xác minh làm rõ, gọi cho đường dây nóng hoặc liên hệ cơ quan chủ quản trước khi thực hiện yêu cầu. Trường hợp có người thân bạn bè sử dụng mạng Zalo, Facebook nhờ chuyển tiền, nhận tiền cần gọi điện thoại trực tiếp hoặc gặp mặt để xác minh trước khi chuyển khoản.

Thứ ba , nâng cao tinh thần cảnh giác khi tham gia hoạt động trên không gian mạng Internet, nhất là các mạng xã hội như Zalo, Facebook, Instagram,… không nên công khai các hình ảnh và thông tin cá nhân như: Tên tuổi, địa chỉ cư trú, số điện thoại, email, tài khoản ngân hàng, CMND/CCCD,… lên mạng xã hội và các website không đáng tin cậy.

Thời buổi công nghệ 4.0 lừa đảo ngày càng tinh vi, mỗi cá nhân hãy tự cảnh giác, bảo vệ mình khi tham gia mạng Internet!

Tin nổi bật
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

image advertisement

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: UBND Xã Vĩnh Lộc
Địa chỉ: UBND Xã Vĩnh Lộc
Email:......
Trưởng Ban biên tập: .....; Chức vụ: .......
Ghi rõ nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa xã Vĩnh Lộc hoặc vinhloc1.thanhhoa.gov.vn khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.

Website được thiết kế bởi VNPT