CÁC CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT MỚI CÓ HIỆU LỰC TỪ NGÀY 01/4/2019

1. 3 trường hợp doanh nghiệp phải kiểm toán nội bộ

Nghị định 05/2019/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm toán nội bộ sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/04/2019, trong đó quy định 03 trường hợp doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm toán nội bộ, gồm:

- Công ty niêm yết;

- Doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con;

- Doanh nghiệp Nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

Chính phủ cũng khuyến khích các doanh nghiệp khác thực hiện công tác kiểm toán nội bộ thông qua việc đi thuê tổ chức kiểm toán độc lập.

2. Mỗi sạp hàng trong chợ đầu mối phải rộng tối thiểu 3m2

Ngày 01/04/2019 cũng là thời điểm Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chợ đầu mối, chợ đấu giá nông lâm thủy sản ban hành kèm theo Thông tư 11/2018/TT-BNNPTNT chính thức được áp dụng.

Theo Quy chuẩn này, địa điểm trong chợ thực hiện các hoạt động sơ chế, bảo quản, tập kết, mua bán các sản phẩm; bao gồm quầy hàng, sạp hàng, kiot, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ theo thiết kế xây dựng và có diện tích quy chuẩn tối thiểu 3m2.

            Bên cạnh đó, chợ đầu mối phải có tách biệt với cửa hàng, kho xăng dầu với khoảng cách tối thiểu 80m, tách biệt với khu vực ô nhiễm môi trường, khu xử lý chất thải tối thiểu 500m.

Đường đi và vận chuyển sản phẩm trong khu vực kinh doanh của chợ phải có chiều rộng tối thiểu 1,5m; Các sạp hàng hoặc kệ trưng bày sản phẩm phải được làm bằng vật liệu bền, dễ làm vệ sinh, phù hợp với tính chất của từng sản phẩm.

3. Hướng dẫn rút tiền mặt tại Kho bạc Nhà nước

Đây là nội dung được Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 136/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 01/04/2019.

Cụ thể, các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước khi giao dịch với đơn vị Kho bạc Nhà nước mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng thương mại có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên trong 01 lần giao dịch, thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng thương mại nơi đơn vị Kho bạc Nhà nước mở tài khoản…

4. Chơi họ bắt buộc phải lập thành văn bản

Nghị định 19/2019/NĐ-CP của Chính phủ yêu cầu thỏa thuận về dây họ bắt buộc phải được lập thành văn bản, thay vì có thể được thỏa thuận bằng lời nói như trước kia.

Trong văn bản thỏa thuận về dây họ phải có các nội dung chủ yếu sau: Thông tin cá nhân của chủ họ và các thành viên (họ tên, số CMND, ngày tháng năm sinh và nơi cư trú); Số lượng thành viên; Phần họ; Thời gian diễn ra dây họ, kỳ mở họ; Thể thức góp họ, lĩnh họ…

Cũng theo Nghị định này, lãi suất khi chơi họ có lãi không được vượt quá 20%/năm.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/04/2019.

5. Tăng gấp 3 lần lệ phí trước bạ với xe bán tải, từ 10/4/2019

Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 20/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi Nghị định 140/2016/NĐ-CP, có hiệu lực từ 10/04/2019.

Cụ thể, từ thời điểm này, ô tô vừa chở người, vừa chở hàng có khối lượng chuyên chở cho phép nhỏ hơn 1.500 kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống, ôtô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép hơn 1.500 kg nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Hiện nay, lệ phí trước bạ với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống hiện nay là từ 10 - 15%, tùy từng địa phương. Với mức thu lệ phí trước bạ bằng 60% mức thu của xe 9 chỗ trở xuống, thì lệ phí trước bạ với xe bán tải tới đây sẽ khoảng 6 - 9%, tăng gấp 3 lần so với mức 2% hiện nay.

6. Hướng dẫn mới về xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học

Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành đã bổ sung một số quy định mới liên quan đến việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy, trong đó có:

- Đối với các ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh, chỉ tiêu được xác định cho ngành đó không vượt quá 30% năng lực đào tạo của ngành;

- Trường đại học trong 03 năm liền kề không vi phạm quy định về tuyển sinh, có tỷ 90% sinh viên tốt nghiệp có việc làm/năm trở lên thì được tăng thêm chỉ tiêu tối đa 10% so với năm trước liền kề đối với ngành chưa có chương trình kiểm định.

- Nếu có sinh viên bị sàng lọc thì sau khi xác định chỉ tiêu nêu trên, còn được xác định chỉ tiêu tăng thêm không quá 25% số trung bình cộng của sinh viên bị sàng lọc trong 04 năm trước liền kề năm tuyển sinh.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12/4/2019.
7. Chính thức có Quy chế tuyển sinh đại học 2019

Quy chế tuyển sinh đại học 2019 đã chính thức được ban hành kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, áp dụng từ ngày 15/04/2019.

Theo Quy chế này, từ năm nay, ngoài ngành sư phạm thì ngành y cũng sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, tức điểm sàn.

Ngoài ra, thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong hạn quy định. Quá thời hạn, thí sinh không xác nhận nhập học được xem là từ chối nhập học và trường xét tuyển thí sinh khác.

Thí sinh xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường và không được tham gia xét tuyển ở các trường khác..

8. 2 trường hợp tổ chức triển lãm phải xin giấy phép

Theo Ngh đnh 23/2019/NĐ-CP của Chính phủ, có 02 trường hợp tổ chức triển lãm phải xin phép, gồm:

- Triển lãm do tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đưa ra nước ngoài.

- Triển lãm do tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài tổ chức tại Việt Nam.

Nghị định cũng yêu cầu, các tác phẩm, hiện vật, tài liệu tham gia triển lãm… không thuộc trường hợp bị đình chỉ lưu hành, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu.

Tác phẩm, hiện vật, tài liệu được triển lãm phải phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm; có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp.

Nghị định 23/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/04/2019.

9. Hướng dẫn điều trị nội trú ban ngày tại bệnh viện y học cổ truyền

Cũng có hiệu lực từ ngày 15/4/2019 là Thông tư 01/2019/TT-BYT của Bộ Y tế về điều trị nội trú ban ngày tại cơ sở khám, chữa bệnh y học cổ truyền.

Thông tư này quy định, việc chỉ định điều trị nội trú ban ngày tại các cơ sở này do bác sĩ quyết định và phải đáp ứng các tiêu chí:

- Tình trạng sức khỏe, bệnh lý của người bệnh phải điều trị nội trú nhưng không nhất thiết phải theo dõi, điều trị 24/24 giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

- Thời gian theo dõi, điều trị nội trú ban ngày cho người bệnh tối thiểu 4 giờ/ngày tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Tình trạng bệnh lý của người bệnh có thể điều trị ngoại trú thì không áp dụng điều trị nội trú ban ngày;

Riêng đối với người bệnh không cư trú trên cùng địa bàn tỉnh, thành phố nơi đặt cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có thể được điều trị nội trú ban ngày hoặc điều trị nội trú 24/24 giờ.

10. Cha, mẹ được thay đổi họ tên của con nuôi

Nghị định 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 19/2011/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nuôi con nuôi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 25/4/2019.

Theo Nghị định, cha mẹ nuôi được yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch thay đổi họ, chữ đệm và tên của con nuôi theo quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp con đủ 09 tuổi trở lên thì phải được sự đồng ý của con.

Nghị định này cũng chỉ rõ, khi hỗ trợ bằng tiền cho trại trẻ mồ côi thì phải thực hiện thông qua tài khoản của trại.

Khi hỗ trợ nhân đạo cho trại trẻ mồ côi, tổ chức, cá nhân không được yêu cầu cơ sở nuôi dưỡng cho trẻ em làm con nuôi; cơ sở nuôi dưỡng cũng không được cam kết cho trẻ em làm con nuôi vì lý do đã nhận hỗ trợ nhân đạo.

11. Tàu cá dài từ 15m chỉ được đánh bắt tại vùng khơi

Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc quản lý hoạt động tàu cá trên các vùng biển Việt Nam.

Cụ thể như sau:

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng.

- Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ.

- Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12m hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.

Bên cạnh đó, tàu cá đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 25/4/2019

12. Quy định về đối tượng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu

Ngày 04/3/2019, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 04/2019/TT-BCT quy định về nguyên tắc điều hành hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối,trứng gia cầm năm 2019.

Theo đó, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với mặt hàng muối và trứng gia cầm được giao cho những đối tượng sau:

- Mặt hàng muối: hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được phân giao cho thương nhân trực tiếp sử dụng làm nguyên liệu sản xuất hóa chất và làm nguyên liệu sản xuất thuốc, sản phẩm y tế.

- Mặt hàng trứng gia cầm: hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được phân giao cho thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu.

Thông tư 04/2019/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/4/2019 đến hết 31/12/2019.

13. Sửa đổi mức hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 12/2019/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia kèm theo Quyết định 72/2010/QĐ-TTg

Theo đó, sửa đổi mức hỗ trợ một số hoạt động xúc tiến thương mại dưới đây:
            - Hỗ trợ tối đa 100% thay vì 50% đối với hoạt động đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong và ngoài nước nhằm nâng cao nghiệp vụ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp hợp tác xã:

- Hồ trợ tối đa 100% thay vì 10% đối với các hoạt động:

+ Thông tin thương mại, nghiên cứu thị trường, xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu trọng điểm theo các ngành hàng:

+ Quảng bá hình ảnh ngành hàng, chỉ dẫn địa lý nổi tiếng của vùng, miền ra thị trường nước ngoài.

+ Mời đại diện cơ quan truyền thông nước ngoài đến Việt Nam để viết bài, làm phóng sự trên báo, tạp chí, truyền thanh, truyền hình, internet nhằm quảng bá cho xuất khẩu Việt Nam theo hợp đồng trọn gói.

Quyết định 12/2009/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 15/4/2019.

14. Trường hợp triển lãm phải gửi Thông báo tổ chức triển lãm

Ngày 26/2/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 23/2019/NĐ-CP về hoạt động triển lãm quy định hoạt động tổ chức, phối hợp tổ chức triển lãm không vì mục đích thương mại thực hiện tại Việt Nam và đưa ra nước ngoài.

Theo đó, tổ chức, cá nhân tham gia tổ chức hoạt động triển lãm có trách nhiệm gửi Thông báo tổ chức triển lãm khi:

- Triển lãm do tổ chức ở Trung ương tổ chức tại Việt Nam;

- Triển lãm do các tổ chức thuộc 02 tỉnh, thành phố trở lên liên kết tổ chức tại Việt Nam;

- Triển lãm do tổ chức ở địa phương hoặc cá nhân tổ chức tại địa phương.

Tổ chức, cá nhân tổ chức triển lãm gửi Thông báo theo Mẫu số 06 ban hành kèm  theo Nghị định này.

Nghị định 23/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2019.

15. Quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với giảng viên ngành sức khỏe

Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT về xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo đó, Giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh đòi với khối ngành sức khỏe có quy định như sau:

- Giảng viên có bằng chuyên khoa cấp II các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính chỉ tiêu như giảng viên có trình độ tiến sĩ;

- Giảng viên có bằng bác sĩ nội trú, bằng chuyên khoa cấp I các chuyên ngành thuộc ngành tham gia đào tạo được tính chỉ tiêu như giảng viên có trình độ thạc sĩ.

Thông tư 01/2019/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/4/2019.

PHÒNG TƯ PHÁP VĨNH LỘC