Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
3281 người đã bình chọn
1183 người đang online

100%

Sáng ngày 10/6/2015, tại khuôn viên đền Tam Tổng thôn phố Mới, Đảng ủy, HĐND - UBND - UBMTTQ xã Vĩnh Tiến long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 616 năm ngày mất Thượng tướng quân Trần Khát Chân. Về dự lễ kỷ niệm có đại diện Lãnh đạo phòng VH&TT, tập thể Đảng ủy, HĐND – UBND – UBMTTQ, các ban ngành đoàn thể trong xã, bà con nhân dân và du khách thập phương.

  
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống trí Việt Nam sử lược: “Trần Khát Chân (dòng dõi của Lê Phụ Trần - Trần Bình Trọng) ba đời làm Thượng Tướng quân. Quê ông ở làng Hà Lãng (làng Hà Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc ngày nay)”. Ông là một vị tướng có công trong việc giết chết vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga trong trận chiến trên sông Hải Triều (sông Luộc, đoạn thuộc Tiên Lữ, Hưng Yên và Hưng Hà, Thái Bình). Sau sự kiện này, quân Chiêm Thành không dám quấy nhiễu nước ta nữa. Ông được phong chức Thượng Tướng quân. Năm 1399, trước sự tước quyền của Hồ Quý Ly, ông tổ chức kế hoạch giết Hồ Quý Ly nhưng không thành. Ông cùng 370 người khác đã bị giết chết ở chính quê hương mình.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép “Trần Khát Chân khi sắp bị hành hình lên núi Đún gào thét ba tiếng, chết ba ngày sắc mặt vẫn tươi như sống, ruồi nhặng không dám bâu…”.
Có nhiều truyền thuyết về Trần Khát Chân được lưu truyền trong nhân gian được nhiều người nhắc tới: Tương truyền lúc Trần Khát Chân bị hành quyết, trời bỗng nhiên tối mịt. Trần Khát Chân bị chém đầu, đầu rơi xuống đất, Trần Khát Chân nhặt lắp đầu vào và lên ngựa phóng như bay theo đường (Hoa Nhai) lên cổng Nam thành An Tôn (Thành Nhà Hồ). Khi Trần Khát Chân đến khu vực Cồn Xấm thì gặp một bà lão ngồi bán nước chè xanh ở bên đường, Trần Khát Chân nói: “Bà có thấy ai chặt đầu rồi lắp đầu vào lên ngựa chạy được không?”. Bà lão trả lời: “Tôi nay đã 84 tuổi rồi chỉ thấy có ông là thánh mới lắp đầu mà còn chạy được”. Bà lão vừa dứt lời thì cả thân và đầu Trần Khát Chân rơi xuống đất (thuộc khu vực cồn Xấm). Con ngựa của Trần Khát Chân cưỡi và có một con ngựa chạy theo, cả hai con ngựa lồng lên rẽ sang trái, qua cánh đồng làng Thổ Sơn (Thổ Phụ) xuống Bến Quân (bến dành cho quân lính) cả hai con ngựa lao ra giữa dòng sông Mã, nơi hai con ngựa chết nổi lên một bãi rộng dân làng gọi là Gò Ngựa. Nơi Trần Khát Chân bị chém đầu, nhân dân lập đền thờ gọi là đền Đún (Nghè Đún) thuộc thôn 8, xã Vĩnh Thành; chỗ thân mình và đầu Trần Khát Chân rơi, nhân dân cũng lập đền thờ gọi là đền Phương Nhai (sau này gọi là đền Tam Tổng) thuộc thôn phố Mới xã Vĩnh Tiến ngày nay. Cả hai đền này đều thờ Thượng tướng Trần Khát Chân.
Tên tuổi của Thượng tướng quân Trần Khát Chân mãi mãi lưu danh sử vàng dân tộc. Ngày nay tên của ông được đặt tên trường, đường phố, trên cả nước có rất nhiều nơi thờ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 70 nơi lập đền thờ ông. Riêng ở huyện Vĩnh Lộc – quê hương của Thượng tướng quân có 3 nơi thờ đó là đền Trần Khát Chân xã Vĩnh Thành, đền tam Tổng thôn phố Mới xã Vĩnh Tiến và xã Vĩnh Thịnh.

Hàng năm vào ngày 24/4 âm lịch tại 3 di tích trên địa bàn huyện đều tổ chức lễ kỷ niệm ngày mất của ông. Lễ kỷ niệm ngày mất của Thượng tướng quân Trần Khát Chân tại đền Tam Tổng diễn ra từ ngày 23-24/4 âm lịch, chính lễ được tổ chức vào sáng ngày 24/4 âm lịch( tức 10/6/2015). Lễ kỷ niệm ngày mất Thượng tướng quân Trần Khát Chân là hoạt động để chính quyền và bà con nhân dân, du khách tưởng nhớ công lao to lớn của ông,  giáo dục tinh thần yêu quê hương, đất nước, ý thức bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đỗ Thị Loan
Phòng VH&TT

°