“Xây dựng ý thức chăm lo đời sống nhân dân tại trường mầm non Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”

Đăng ngày 05 - 03 - 2024
100%

         Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội". Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị trung tâm, là thước đo và tiêu chí đánh giá sự hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. Mục tiêu cốt lõi theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm lo đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là làm sao để nhân dân không còn phải lo cái ăn, cái mặc hàng ngày và phải bảo đảm cho người dân về y tế, giáo dục và nhà ở. Nơi nào người dân còn đói nghèo, cuộc sống chưa được no ấm, nơi nào dân còn chưa được hạnh phúc, nơi nào còn để nhân dân phải lo cái ăn, cái mặc và nơi nào chưa bảo đảm được y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở thì nơi đó tổ chức Đảng và chính quyền chưa hoàn thành tốt chức trách và nhiệm vụ của mình trước nhân dân. Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân luôn là mục tiêu cao cả là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt mà Đảng và Bác Hồ luôn dày công phấn đấu. Bản thân tôi là một Đảng viên, một giáo viên luôn muốn góp sức mình cùng toàn Đảng, toàn Dân xây dựng một chế độ xã hội ngày càng tốt đẹp hơn nên tôi chọn chủ đề tham luận “Xây dựng ý thức chăm lo đời sống nhân dân tại trường mầm non Vĩnh Phúc, huyện Vĩnh Lộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”

NỘI DUNG

 1.CƠ SỞ LÝ LUẬN

Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề về đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người nhấn mạnh “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”
Sau khi đã tranh được độc lập rồi thì vấn đề kiến quốc là hết sức quan trọng. Bởi vì, “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Với nhận thức đó, cùng với chỉ đạo kháng chiến, Hồ Chí Minh tập trung vào nhiệm vụ kiến quốc. Kháng chiến và kiến quốc gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn kháng chiến thành công thì phải có sức dân, lòng dân. Muốn có sức dân, lòng dân thì phải chăm lo đời sống của dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chúng ta đấu tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn; 2. Làm cho dân có mặc; 3. Làm cho dân có chỗ ở; 4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”.
Trên cơ sở nhận thức “dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, và “có thực mới vực được đạo”, nghĩa là không có ăn thì chẳng làm được việc gì cả, tư tưởng và phong cách Hồ Chí Minh thể hiện đậm nét việc chăm lo đời sống Nhân dân. Trong sự nghiệp kiến thiết chủ nghĩa xã hội, Người cho rằng “hễ còn có một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn đau thương, cho đó là vì mình chưa làm tròn nhiệm vụ” . Người nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”[5], Người biến tình thương thành trách nhiệm của bản thân.
    Theo Người, Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân. “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi. Vì vậy, cán bộ Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới, đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo, tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được” .

Hồ Chí Minh luôn luôn gương mẫu, thực hiện nói đi đôi với làm, “gần dân” thì phải tăng cường tiếp xúc với dân. Khi đi thăm dân, Người không muốn tiệc tùng tốn kém theo kiểu “khách ba, chủ nhà bảy” để mang tiếng với dân, Người cũng phê bình việc liên hoan chè chén, lu bù còn phổ biến ở nhiều địa phương và nhắc nhở cần phải sửa chữa.

Trước lúc đi xa, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” . Theo Người, chú trọng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân là điều kiện cơ bản để thực hành và hoàn thiện dân chủ

   2. THỰC TRẠNG VẤN ĐỀ CHĂM LO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN TẠI TRƯỜNG MẦM NON VĨNH PHÚC

  2.1. ĐẶC ĐIỂM TÌNH HÌNH

Trường mầm non Vĩnh Phúc được hình thành từ năm 1963, lúc bấy giờ các nhóm trẻ và các lớp mẫu giáo được học ở các đình làng, nhà kho của hợp tác xã nông nghiệp, trường gồm 3 điểm trường (Thôn Bái xuân, Văn Hanh, Tân Phúc). Đến năm 2009 trường được tập trung về 2 điểm trường (Khu trung tâm tại thôn Bái xuân, điểm lẻ tại thôn Quán Hạt). Năm 2012 có quyết định chuyển đổi từ trường Mầm non bán công sang trường Mầm non công lập (Quyết định số 1129/QĐ-UBND ngày 24/9/2012 của UBND huyện Vĩnh Lộc). Trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I năm 2013, công nhận lại mức độ 1 năm 2018 (Quyết định số 697/QĐ-UBND ngày 26/02/2019) của UBND tỉnh Thanh Hóa). Trường được đánh giá ngoài đạt cấp độ II.

Với khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”, các cô giáo Trường Mầm non Vĩnh Phúc luôn đoàn kết chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ trẻ một cách chu đáo, khoa học. Nhà trường có 27 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 100% trình độ đạt chuẩn, vững về tay nghề, mến trẻ, nhiệt tình, năng nổ, đoàn kết giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Nhà trường luôn nhận được sự phối kết hợp của các bậc phụ huynh trong công tác nuôi dưỡng - chăm sóc - giáo dục trẻ. Công tác huy động trẻ ra đúng độ tuổi đạt kết quả cao. Đồng thời, phân công giáo viên đứng lớp đúng người, đúng việc, tạo mọi điều kiện cho giáo viên phát huy thế mạnh của mình, từ đó nâng cao chất lượng cho trẻ, tạo niềm tin cho phụ huynh yên tâm gửi gắm con em.

Hiện nay, Nhà trường có cơ sở vật chất khang trang, thoáng mát,một môi trường sư phạm xanh - sạch - đẹp với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ, vườn cổ tích, được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác dạy và học. Với không gian các phòng học rộng, thoáng mát, được trang bị điều hòa cùng các đồ dùng, đồ chơi được sắp xếp trưng bày góc theo từng chủ đề, chủ điểm, theo các mùa một cách sinh động và hấp dẫn, trẻ sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để học tập và phát huy các khả năng của mình. Ngoài ra, nhà trường bố trí các khu vực cho trẻ hoạt động vui chơi, sinh hoạt, học tập ngoài trời một cách khoa học và phù hợp như sân tập thể dục cho trẻ, khu vận động; khu vực đồ chơi ngoài trời; khu vực trồng rau, trồng cây và chăm sóc cây cối,...để từ đó trẻ có thể thoả sức vui chơi, khám phá, nâng cao sức khoẻ. Xứng đáng với danh hiệu trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.

2.2. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

      Trong những năm qua,  được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo của Chi bộ, Tổ chức Công  đoàn, các đoàn  thể, cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và hội cha mẹ học sinh trong trường đã làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh trong nhà trường.     

Thứ nhất, về đời sống vật chất: các chế độ tiền lương và các phụ cấp dành cho giáo viên luôn được chi trả đầy đủ, kịp thời. Cán bộ giáo viên, nhân viên được tạo điều kiện để phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình. Tổ chức Công đoàn đã phát huy được vai trò chăm lo đời sống, bảo vệ các quyền và lợi ích  chính đáng của cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường.

Đời sống nhân dân cũng ngày một cải thiện nên học sinh đến lớp đã được trang bị  đầy đủ sách vở đồ dùng học tập không có tình trạng học sinh bỏ học vì thiếu ăn, thiếu sách vở. Một số các chế độ, chính  sách hỗ trợ của nhà nước đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn như chế độ bán trú, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ học sinh nghèo…đã góp phần làm giảm đi những khó khăn cho học sinh. Tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên luôn làm tốt công tác phối hợp với hội Khuyến học cấp trên dành nhiều suất quà, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập. Hàng năm tổ chức Đoàn thanh niên kết hợp với nhà trường tổ chức các chương trình “Thắp sáng ước mơ”, “Áo ấm tặng bạn ”…nhằm tranh thủ sự đóng góp ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nhà trường về vật chất giúp những học sinh có điều kiện khó khăn vươn lên trong học tập. Nhà trường luôn tham mưu với chính quyền địa phương tăng cường cơ sở vật chất, đồng thời cũng tích cực kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn ủng hộ xây dựng trường lớp đảm bảo để học sinh có điều kiện tốt hơn để học tập.      

Thứ hai, giáo viên được tạo điều kiện để học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo.100% giáo viên được nâng cao kỹ năng ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến STEAM, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy. Được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… 100% học sinh  trong độ tuổi  được đến lớp. Ở trường các em được tham gia học tập để phát triển năng lực, được bảo vệ, chăm sóc, tôn trọng và đối xử bình đẳng; được đảm bảo những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập và rèn luyện. Được tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao nhằm phát triển thể chất và năng khiếu đảm bảo mỗi học sinh đều cảm nhận được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”

2.3. TỒN TẠI, HẠN CHẾ, NGUYÊN NHÂN

     - Đời sống giáo viên vẫn còn nhiều khó khăn giáo viên chưa sống được bằng đồng lương, nhiều giáo viên phải làm thêm nhiều nghề phụ để trang trải cuộc sống.

     - Điều kiện dạy học đã được cải thiện nhưng do nhà trường có 2 khu nên  vẫn còn nhiều thiếu thốn, phòng học vẫn chưa đủ và chưa đạt chuẩn, chưa có các phòng học chức năng, hoạt động ngoài trời của trẻ còn hạn chế và các phương tiện dạy học hiện đại theo yêu cầu đổi mới giáo dục còn thiếu.

    -  Đời sống người dân vẫn chưa được cải thiện đáng kể nên số học sinh là con em hộ nghèo và hộ cận nghèo chiếm tỉ lệ còn cao. 

   -  Giáo viên và học sinh vẫn còn phải chịu áp lực từ nhiều phía.

*Nguyên nhân:

- Chế độ tiền lương hiện hành đối với nhà giáo chưa được cải thiện.

- Trường nằm trên địa bàn là xã có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn ở xa trung tâm trình, độ dân trí thấp nên khả năng tiếp cận với khoa học kĩ thuật còn hạn chế, chưa mạnh dạn trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng năng suất lao động dẫn đến thu nhập thấp.

- Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn còn tồn tại gây ra những áp lực cho giáo viên và học sinh ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống tinh thần và môi trường giáo dục.

3. GIẢI PHÁP

        - Tiếp tục nâng cao nhận thức về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung, về chăm lo đời sống nhân dân nói riêng với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và cá nhân. Đưa nội dung này vào chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị và cá nhân hằng năm, hằng quý, nhất là thành chuyên đề sinh hoạt tại chi bộ gắn với nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của mỗi cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên.

       - Tham mưu với các cấp lãnh đạo về các biện pháp cải cách tiền lương, có các chế độ đãi ngộ đối với giáo dục, coi giáo dục là cuốc sách hàng đầu đảm bảo đời sống để mỗi cán bộ giáo viên có thể yên tâm công tác gắn bó với nghề.

      - Tham mưu với lãnh đạo địa phương về các chiến lược phát triển kinh tế nhằm nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn xã, tiếp tục làm tốt công tác vận động sự đóng góp ủng  hộ của chính quyền địa phương các tổ chức, cá nhân các nhà hảo tâm để xây dựng cơ sở vật chất nhà trường.

       - Làm tốt công tác tham mưu với ngành giáo dục về đổi mới nội dung, thường xuyên tổ chức chuyên đề theo phương pháp “ Lấy trẻ làm trung tâm” và kỹ năng sống của trẻ cho giáo viên; tạo điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên trẻ; tiếp tục đầu tư kinh phí để mua sắm đồ dùng trang thiết bị theo hướng hiện đại, phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên và các cháu theo yêu cầu chương trình giáo dục hiện nay. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn thân thiện, học sinh tích cực và tránh bệnh thành tích, không bạo lực học đường.

          C.KẾT LUẬN

Tóm lại, Chăm lo đời sống nhân dân, góp phần làm cho dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh góp phần vào việc thực hiện  thắng lợi mục tiêu chính trị của Đảng trong năm 2024 . Để làm được điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải  tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân , phát huy vai trò của Nhân dân, tạo điều kiện cho Nhân dân, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; khuyến khích các tầng lớp Nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh.Vì khả năng nhận thức vấn đề của bản thân còn hạn chế, rất mong được sự đóng xây dựng của quý vị đại biểu, quý thầy cô và các bạn học viên để bài tham luận hoàn chỉnh hơn. Xin chân thành cảm ơn!

<

Tin mới nhất

Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa...(29/10/2024 2:10 CH)

Huyện Vĩnh Lộc: Khánh thành, bàn giao nhà ở theo Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá(14/10/2024 9:15 SA)

THÔNG BÁO Về kết quả tiếp nhận ủng hộ Cuộc vận động ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia...(10/10/2024 9:30 SA)

Lan tỏa việc học và làm theo Bác ở Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc(16/09/2024 9:23 SA)

Vĩnh Lộc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XIII và Ban...(08/08/2024 3:37 CH)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
3337 người đã bình chọn
°
835 người đang online