Hiện nay, toàn huyện đã gieo trồng được 1.346,6 ha cây trồng vụ đông, trong đó: cây ngô 830,8 ha; cây ớt 109,1 ha; rau màu các loại 406,7 ha. Cây trồng sinh trưởng phát triển tốt. Tuy nhiên do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 4, địa bàn huyện có mưa vừa, mưa to và có nơi mưa rất to đã làm cho một số diện tích cây trồng vụ đông bị ngập úng, ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển. Diện tích bị ngập úng do mưa lớn gây ra trên địa bàn huyện là 22,99 ha. Trong đó: cây ngô là 22,19 ha (Vĩnh Hưng 5,5 ha, Ninh Khang 5,1 ha, Vĩnh Hòa 2,1 ha ...); cây ớt là 0,8 ha (Vĩnh Long 0,15 ha, Vĩnh Phúc 0,5 ha, Vĩnh Hùng 0,15 ha).
Để chủ động khắc phục ảnh hưởng của do mưa lớn gây ra, đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ Đông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc cây trồng vụ Đông bị ngập úng như sau:
- Tiến hành khơi thông rút kiệt nước trong ruộng, thu dọn tàn dư thực vật do nước ngập gây ra trên diện tích cây trồng vụ Đông.
- Xới phá váng khi đất có độ ẩm 80-85% (se mặt) kết hợp chắm dặm đảm bảo mật độ, tiến hành tưới phân lân hòa loãng hoặc siêu lân ra rễ, kết hợp phun phân qua lá. Tuyệt đối không bón phân đạm, kali, các loại phân bón tổng hợp NPK cho cây màu khi độ ẩm đất cao 90-100%. Khi cây trồng có dấu hiệu phục hồi như ra rễ, lá mới thì tiến hành bón phân bổ sung và chăm sóc bình thường. Lưu ý phun phòng sâu bệnh cho cây trồng. Cụ thể từng loại cây trồng như sau:
1. Đối với cây ngô:
- Với diện tích ngô đang ở giai đoạn cây con từ 2 - 5 lá: Sử dụng Lân supe 3 - 5kg/sào, ngâm với nước tiểu động vật trong 2 - 3 ngày để tưới cho ngô, kết hợp sử dụng chế phẩm như Siêu lân, Pisomix PTS9... giúp cây phục hồi nhanh. Khi cây đã phục hồi thì chăm sóc bình thường, đồng thời bổ sung thêm khoảng 2kg đạm + 2kg Kali/sào hoặc bổ sung thêm 3 - 4 kg NPK 13:13:13TE/sào.

Cây ngô đông đang được chăm sóc
- Với diện tích ngô 6 - 9 lá không bị ảnh hưởng nhiều của mưa bão tiến hành chăm sóc đủ lượng phân theo quy trình ưu tiên sử dụng phân NPK chuyên dùng theo các giai đoạn sinh trưởng.
- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phun trừ có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại: sâu keo mùa thu, sâu cắn lá, châu chấu.
2. Đối với cây ớt:
- Dùng Lân supe 5 - 7kg/sào ngâm nước tiểu động vật 2 - 3 ngày hoặc chế phẩm siêu ra rễ cực mạnh chuyên dụng cho cây ớt để tưới.
- Sử dụng các loại phân bón qua lá: Siêu lân, Pisomic Y105 để phun kích rễ.
- Sử dụng chế phẩm Tricodecma 1kg/sào tưới cho cây phòng trị bệnh lở cổ rễ và các dòng nấm trong đất.
- Sau mưa lớn cây ớt thường phát sinh bệnh sương mai, bệnh héo xanh gây hại:
+ Đối với bệnh sương mai, thán thư sử dụng một số thuốc như Melody duo 66,75WP; Mexyl MZ 72WP; Profiler 711,1WG để phun trừ.
+ Đối với bệnh héo xanh do vi khuẩn: sử dụng các thuốc Alpine 80WG, Ychatot 900 SP, Kasumim 2L để phun trừ.

Cây ớt đang được chăm sóc
Lưu ý: phun đủ lượng nước thuốc 2 bình 16l/1 sào 500m2, tuyệt đối không phun kèm phân bón lá khi ớt đã bị bệnh.
3. Đối với cây rau:
Chỉ sau 2 - 3 ngày ngập úng thì bộ rễ đã bị hư hỏng nặng. Do vậy ngay sau khi nước rút cần tác động mọi biện pháp để khôi phục và phát triển bộ rễ như tưới lân hoặc phun siêu lân.
Lưu ý: tuyệt đối không được bón phân ngay (nhất là phân đạm).
Sau khi cây phục hồi, có rễ và lá mới thì tiến hành bón phân, chăm sóc bình thường.
Trên đây là một số hướng dẫn chăm sóc cây trồng vụ Đông sau mưa lớn./.
TRUNG TÂM DỊCH VỤ NÔNG NGHIỆP HUYỆN