Ngày 20-3 (tức ngày 18-2 Nhâm Dần) tại Khu Di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh xã Vĩnh Hùng, UBND huyện Vĩnh Lộc đã tổ chức lễ kỷ niệm 452 năm ngày mất của Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (1570-2022) - người có đóng góp quan trọng trong sự phát triển của lịch sử Việt Nam dưới thời Lê Trung Hưng. Về dự buổi lễ có đồng chí Lê văn Tịnh – phó bí thư thường trực huyện ủy, Nguyễn Vă tâm – Phó chủ tịch UBND huyện, các đồng chí thường vụ huyện ủy cùng lãnh đạo đảng, chính quyền, MTTQ các ban ngành đoàn thể xã Vĩnh hùng, con cháu dòng họ trịnh ở các tỉnh thành.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, huyện Vĩnh Lộc chỉ tổ chức phần lễ theo nghi thức nhà nước với quy mô cấp huyện, không tổ chức phần hội như mọi năm.

Đức Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm sinh năm 1503 trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống giàu lòng nhân nghĩa, luôn chăm lo điều thiện ở Biện Thượng nay là làng Bồng Thượng xã Vĩnh Hùng.
Năm 1527 ông theo Hưng quốc công Nguyễn Kim dẹp loạn nội chiến với mong muốn đất nước thái bình. Suốt 25 năm cầm quân chinh chiến phò Lê, diệt Mạc, ông đã có nhiều cống hiến ở thời Lê Trung Hưng, tạo nên cơ nghiệp nhà Trịnh với 12 đời chúa tiếp nối trị vì đất nước và 249 năm có mặt trên chính trường Đại Việt với nhiều đóng góp to lớn.

Xuất thân từ tầng lớp dân nghèo, trải qua quá trình chiến đấu gian khổ, một lòng tận trung với nước, tận nghĩa với dân, Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm đã trở thành một vị tướng tài, được quân sĩ mến mộ. Ông là người mưu lược, biết sắp xếp kế sách quân sự, biết trù tính kế hoạch lâu dài cho đất nước, tạo (giúp) cho thế lực nhà Lê ngày một lớn mạnh. Tuy ở cương vị của người “Quyền nghiêng thiên hạ”, được Vua Lê phong đến chức Thái Vương, làm đô tướng tiết chế các xứ thủy bộ, tước Thái sư Lượng quốc công, nhưng Trịnh Kiểm vẫn một lòng trung thành với nhà Lê, không hề có ý chiếm đoạt ngôi vị.Trong khói lửa chiến tranh, Thái vương Trịnh Kiểm vẫn chăm lo tới công việc triều chính. Ông đã cho đo đạc ruộng đất, lập chế độ thuế khoá, khuyến khích việc nông trang, chú ý tới phát triển nông nghiệp. Trên lĩnh vực giáo dục khoa bảng, Thái Vương Trịnh Kiểm đã mở khoa thi Sĩ vọng, các kỳ thi hương... để chọn lựa hiền tài cho đất nước. Ngày 18-2 năm Canh Ngọ (1570) ông tạ thế ở tuổi 68.

Hiện nay dự án tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia Phủ Trịnh với quy mô 11,72 ha, tổng mức đầu tư hơn 756 tỷ đồng đang được khẩn trương thực hiện. Sau khi hoàn thiện, Khu di tích Phủ Trịnh xã Vĩnh hùng sẽ trở thành điểm du lịch văn hóa - lịch sử trọng điểm của huyện Vĩnh Lộc và tỉnh Thanh Hóa.
Trịnh Thu-Trung tâm VHTTTT&DL