Những mảnh đời, những số phận của trẻ mồ côi

Đăng ngày 06 - 03 - 2023
100%

       Huyện Vĩnh Lộc có 346 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; trong đó, có 284 em mồ côi cha, 50 em mồ côi mẹ và 12 em mồ côi cả cha lẫn mẹ, đa phần các em đều thuộc đối tượng hộ nghèo và cận nghèo. Cuộc sống của các em gặp rất nhiều khó khăn thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, nhất là thiếu vắng tình yêu thương, chăm sóc. Thấu hiểu và chia sẻ với các em nhỏ mồ côi, sau chuyến công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh của các đồng chí lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc trong  Chương trình “nhận đỡ đầu, kết nối yêu thương”, đã nhận được sự chia sẻ, đùm bọc và nhận đỡ đầu nuôi dưỡng 20 em đến tuổi 18. Để xác  định đúng hoàn cảnh của các em nhỏ mồ côi thuộc diện đặc biệt khó khăn, đoàn công tác của huyện do đồng chí Bí thư huyện ủy dẫn đầu đã đến tận từng hộ gia đình để khảo sát đúng thực tế từng em.

Em Nguyễn Ngọc Tường Vi ở thôn Phù Lưu xã Vĩnh Yên

Đây là gia đình em Nguyễn Ngọc Tường Vi ở thôn Phù Lưu xã Vĩnh Yên, hoàn cảnh của em thật đáng thương. Là con gái đầu trong gia đình có 02 người con, mới 11 tháng tuổi đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Năm 2019, bố Vy bị tai nạn không qua khỏi, một mình mẹ Vy là chị Mai Thị Đoan Trang năm nay 32 tuổi phải trở thành trụ cột trong gia đình để nuôi bố mẹ chồng già yếu và 2 đứa con thơ. Kinh tế gia đình đè nặng lên đôi vai người mẹ trẻ, cuộc sống ở quê khó khăn vất vả nên chị cũng đành dứt áo ra đi làm ăn nơi đất khách quê người. bỏ lại bố mẹ già và 2 đứa con thơ  dại tự xoay xở chăm sóc nhau trong căn nhà chật chội. Đầu năm 2023 ông nội Vy cũng qua đời, căn nhà chật chội trở nên trống vắng lạ thường.  Trớ trêu thay, trong lúc vui chơi em bị ngã và bị kéo đâm vào mắt làm hỏng mất một bên.... Cuộc sống vốn dĩ đã khó khăn nay lại chồng chất khó khăn.

Gia đình em Đỗ Gia Phúc ở thôn Bồng Trung 2, xã Minh Tân

Chịu cảnh mồ côi cha khi còn chưa lọt lòng, em Đỗ Gia Phúc ở thôn Bồng Trung 2, xã Minh Tân, cũng là một câu chuyện buồn. Là con thứ 3 trong gia đình có 03 chị em. Hiện tại, bốn mẹ con đang ở với ông, bà nội. Ông nội của Phúc là thương binh với tỷ lệ thương tật 25%, năm 2020 ông nội Phúc bị ngã gãy xương chân, do không có tiền đi chữa trị nên chân của ông không phục hồi được, phải dùng nạng để di chuyển. Vì kinh tế gia đình khó khăn nên bà nội của cháu phải đi làm giúp việc cho một gia đình ở Hà Nội. Người mẹ suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời  để nuôi con ăn học. Cuộc sống của gia đình vô cùng vất vả.

Hai em mồ côi cha Gia Huy, Gia Khải ở thôn Sóc Sơn 3, xã Vĩnh Hùng

Những đứa trẻ chịu cảnh mồ côi cha từ quá sớm nên khi có người hỏi về cha, các em chỉ biết chỉ tay lên di ảnh trên bàn thờ, Hai cháu Gia Huy, Gia Khải ở thôn Sóc Sơn 3, xã Vĩnh Hùng là một trong số đó. Là hai anh em ruột, Bố chết năm 2021, lúc em mới 1 tuổi. Mẹ Nguyễn Thị Ngân hiện đang làm việc tại Công ty Giầy da, một mình nuôi 03 con nhỏ ăn học, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo, thiếu trước hụt sau, tuổi thơ của các em trước giờ chỉ toàn là màu xám.

Bà Lê Thị Hường (bà nội cháu Gia Huy)

Khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình, Bà Lê Thị Hường (bà nội cháu Gia Huy) xót xa chia sẻ: (Từ khi con trai bà mất, cuộc sống gia đình bà vô cùng khó khăn. Hiện nay cả 5 mẹ con, bà cháu tự xoay xở, đùm bọc lẫn nhau, cả 5 miệng ăn đều nhờ vào nguồn thu nhập của một mình con dâu làm việc tại Công ty Giầy da trang trải).

Em Vũ Vân Nội và bố Vũ Văn Bắc, xã Minh Tân huyện Vĩnh Lộc

Xưa có câu, "mồ côi cha ăn cơm với cá, mồ côi mẹ con lót lá mà nằm" đằng này các em Trần Văn Đại Sơn, Vũ Vân Nội, xã Minh Tân hay em Đặng Gia Hân xã Vĩnh Thịnh và Trịnh Huy Phát  xã Vĩnh  Hòa đều chung số phận mồ côi mẹ từ lúc bé. Vắng đi người cha, dưới sự chăm sóc của người mẹ, những đứa con vẫn có thể có cái ăn, thậm chí là ăn ngon. Đằng này các em đã mồ côi mẹ mà Bố các em lại thường xuyên ốm đau bệnh tật, không còn khả năng lao động nên các em rơi vào cảnh không chỗ dựa, bơ vơ, khổ sở, tủi nhục. 

Mong muốn lớn nhất của Hồ Ngọc Trâm là làm sao để bố sống lại được để em vẫn được bố đưa đi học hàng ngày. Khi biết điều đó là không thể và biết cuộc sống phía trước sẽ gặp muôn vàn khó khăn nên em ước mơ rằng.

Em Hồ Ngọc Trâm thôn Pháp Ngỡ, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc.

(Em ước gì bố em sống lại để đưa em đi học như trước và em mong muốn được mọi người hỗ trợ để em được đi học đại học).

Gia đình Em Trịnh Hoàng Kim xã Vĩnh Hùng

Số phận các em Trịnh Hoàng Kim;  Trịnh Bảo Nam, ở xã Vĩnh Hùng còn éo le hơn, Bố chết, mẹ bỏ đi lấy chồng, các em phải sống nhờ bà nội, bà ngoài, tuổi cao, sức yếu, hoàn cảnh khó khăn vất vả đủ bề. Bà nội, bà ngoại cũng đã ngoài 60, không còn tuổi lao động nhưng vẫn bới đất nhặt cỏ để có cái cho các cháu ăn và cho cháu đến trường. Vẫn biết các em không thổ lộ thành lời mhưng tận sâu thẳm trong trái tim thơ ấu kia là cả một ký ức đượm buồn, rỉ máu.

em Nguyễn Văn Thắng  thôn 7, xã Vĩnh An

Tiếp tục theo chân đoàn công tác do đồng chí Bí thư huyện ủy dẫn đầu, chúng tôi đến nhà em Nguyễn Văn Thắng  thôn 7, xã Vĩnh An, em năm nay 7 tuổi, Bố chết năm 2019, mẹ bị ung thư  đang điều trị tại bệnh viện Ung Bứu Hà Nội. Hiện nay cháu ở với Ông bà nội, gia đình thuộc diện hộ nghèo nên rất cần được cứu giúp của các tổ chức, cá nhân giúp em và gia đình vượt qua khó khăn trước mắt...

Gia đình em Lê Bình An thôn 4, xã Vĩnh Hưng

Cuộc sống mất đi người cha, người mẹ thì không một đứa trẻ nào không khỏi vất vả nhưng ít nhất sau này lớn lên các em vẫn còn có ký ức về cha của mình, còn em Nguyễn Văn Đức ở xã Ninh Khang hay em Lê Bình An thôn 4, xã Vĩnh Hưng thì ngay cả cha mình là ai các em cũng không được biết. Mẹ bị bệnh tâm thần nên cũng chẳng biết bố đứa trẻ là ai. Sinh ra trong một hoàn cảnh mà gia đình có 4 người bị bệnh tâm thần, hiện em Nguyễn Văn Đức đang ở với ông bà ngoại đã già yếu. Gia đình thuộc diện hộ nghèo, quanh năm lận đận.

Không thể kể hết những khó khăn, vất vả cảu các cháu mồ côi đang phải chịu, nhưng cũng không thể không nói đến nghị lực phi thường như em Bùi Khánh Ba ở Khu phố Nhân Lộ, thị trấn Vĩnh Lộc. Bố chết năm 2013, nghề nghiệp chính của mẹ  là làm ruộng, sức khỏe thường xuyên ốm đau, không được nhanh nhẹn,hiện đang  hưởng chế độ đơn thân 720.000đ/tháng để  nuôi 2 con ăn học. Không phụ công chăm sóc của mẹ, em Ba luôn cố gắng vươn lên trong học tập nên đã được nhà trường ghi nhận bằng những tấm giấy khen.

Em Bùi Khánh Ba ở Khu phố Nhân Lộ, thị trấn Vĩnh Lộc

Vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những cháu mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt  mà trong phóng sự này chúng tôi chưa kể hết.... Cuộc khảo sát thực tế cuộc sống của các em cũng tạm dừng lại ở con số 20/346 trẻ mồ côi trong toàn huyện. Cái đọng lại trong mỗi chúng tôi là 2 chữ "xót xa".  Chương trình “nhận đỡ đầu, kết nối yêu thương”. cho các trẻ mồ côi ở huyện Vĩnh Lộc rất mong có thêm nhiều sự chung tay giúp sức của cộng đồng để giúp đỡ các trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống./.

 

<

Tin mới nhất

Tổ chức triển khai phát động và hưởng ứng cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...(15/11/2024 3:13 CH)

Cuộc thi trực tuyến toàn quốc tìm hiểu về nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa...(29/10/2024 2:10 CH)

THÔNG BÁO Về kết quả tiếp nhận ủng hộ Cuộc vận động ủng hộ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia...(24/10/2024 2:32 CH)

Huyện Vĩnh Lộc: Khánh thành, bàn giao nhà ở theo Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thanh Hoá(14/10/2024 9:15 SA)

Định hướng nội dung tuyên truyền phổ biến GDPL tháng 10/2024(10/10/2024 9:46 SA)

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử
3353 người đã bình chọn
°
2262 người đang online